Hiện đang là thời điểm giao mùa, nhiệt độ môi trường và độ ẩm không khí thấp là điều kiện thuận lợi cho vi rút cúm phát triển, lây lan trong cộng đồng.
Hiện đang là thời điểm giao mùa, nhiệt độ môi trường và độ ẩm không khí thấp là điều kiện thuận lợi cho vi rút cúm phát triển, lây lan trong cộng đồng. Mọi người đều có thể mắc cúm, trong đó, trẻ em là đối tượng dễ mắc nhất do sức đề kháng và hệ miễn dịch còn yếu. Vì vậy, mỗi người cần có những biện pháp nâng cao sức khỏe, chủ động phòng tránh bệnh một cách tốt nhất.
Bác sĩ Khoa Nội Nhi, Trung tâm Y tế thành phố Vĩnh Yên khám, theo dõi diễn biến bệnh cúm cho bệnh nhân. Ảnh Dương Chung
Cúm là bệnh truyền nhiễm, lây truyền từ người này sang người khác qua đường hô hấp, thường do hai chủng virus cúm A, B gây ra. Cúm có thể lây trực tiếp qua dịch tiết ở đường hô hấp thông qua các động tác ho, hắt hơi, nói chuyện, cũng có thể do hít phải dịch tiết (nước bọt, nước mũi) của người bệnh có chứa vi rút lơ lửng ngoài môi trường, hay gián tiếp đụng chạm vào các bề mặt (bàn, đồ chơi…) có dính dịch tiết của người bệnh. bệnh cúm có thể xảy ra quanh năm, nhưng thường gặp nhất là khi giao mùa, mùa hanh khô, mùa lạnh.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, 8 tháng năm 2018, toàn tỉnh ghi nhận 5.063 bệnh nhân mắc cúm, tại 9/9 huyện, thành phố. Trong đó, có 1 trường hợp bệnh nhân N.T.T (53 tuổi, xã Hợp Lý, huyện Lập Thạch) mắc cúm bội nhiễm (mắc cúm đồng thời mắc viêm phổi) nên đã tử vong. Sau quá trình xét nghiệm, bệnh nhân T được xác định dương tính với vi rút cúm B. Nguyên nhân gây tử vong được kết luận là do mắc cúm và biến chứng của cúm, nhưng bệnh nhân lại tự điều trị tại nhà trong thời gian dài và tự ý sử dụng quá nhiều thuốc kháng sinh và thuốc có chứa corticoid.
Tại Trung tâm Y tế thành phố Vĩnh Yên, từ đầu năm đến nay, đã có hơn 1.100 bệnh nhân cúm đến khám và điều trị. Riêng tháng 8/2018, ghi nhận 121 bệnh nhân cúm, tăng 10 ca so với tháng 7/2018. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Vĩnh Yên cho biết: "Đa số các trường hợp đến trung tâm khám và điều trị đều mắc bệnh cúm thông thường như ho, sổ mũi, hắt hơi... Bệnh cúm thường khởi phát với các triệu chứng nhẹ, nhưng nếu không được xử trí tốt, điều trị kịp thời thì rất dễ bùng phát mạnh thành dịch và gây hậu quả nghiêm trọng. Đa số các trường hợp nhẹ thì có thể tự khỏi, nhưng, có nhiều trường hợp người dân tự mua thuốc về sử dụng không đúng phác đồ làm mắc thêm các nhiễm trùng khác mà không tự phát hiện được, khiến cho diễn biến bệnh nặng thêm. Người mắc cúm có thể bị bội nhiễm do vi khuẩn và mắc một số bệnh khác như viêm phổi - phế quản, viêm tai -mũi - họng, viêm thanh quản…
Điển hình như trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Văn Giảng, 58 tuổi, ở phường Hội Hợp (Vĩnh Yên), nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục, không thể cắt sốt, đau mỏi các khớp, khó thở. Bệnh nhân được chẩn đoán dương tính với cúm B. Sau 2 ngày điều trị tại trung tâm, bệnh nhân đã cắt cơn sốt".
Đối với các trường hợp mắc các bệnh mạn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc người có suy giảm miễn dịch, bệnh có thể diễn biến nặng và có thể dẫn đến tử vong. Riêng đối với trẻ em càng phải thận trọng hơn, vì khi trẻ mắc cúm bội nhiễm sẽ phải điều trị đồng thời nhiều bệnh, thời gian điều trị cũng sẽ kéo dài hơn. Do vậy, khi xuất hiện một số triệu chứng như: Sốt, đau nhức cơ bắp, chóng mặt, mệt mỏi, ho, đau họng, chảy nước mũi… người dân nên đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
Để chủ động phòng chống dịch cúm, bác sĩ Nghiêm Văn Bình, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo: "Người dân cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh nghi nhiễm cúm; tăng cường rửa tay, vệ sinh hô hấp khi ho khạc, tránh tập trung đông người khi có dịch xảy ra; chủ động tiêm vắc xin để tạo miễn dịch; tăng cường sức đề kháng cho cơ thể; hạn chế đến những nơi tập trung đông người nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh. Khi mắc cúm, người bệnh cần nêu cao ý thức, hạn chế tiếp xúc với mọi người xung quanh để tránh lây lan bệnh ra cộng đồng”.
Nguồn baovinhphuc.com.vn (Minh Nguyệt)